Chỉ nha khoa
Đã từ nhiều đời nay, thói quen dùng tăm xỉa răng sau khi ăn đã ngấm sâu vào người Việt. Đây là thói quen không tốt vì nó có thể gây ra những tổn thương cho răng và lợi. Dưới đây là những lý do vì sao các nha sỹ khuyên bạn cần sử dụng chỉ nha khoa thay tăm tre ngay lập tức.
Tăm xỉa răng gây mòn cổ răng
Khi xỉa răng, tăm chọc vào giữa hai kẽ răng để loại bỏ các mảnh vụn thức ăn. Điều này sẽ gây ra sự mài mòn răng. Nếu diễn ra liên tục trong thời gian dài có thể gây tổn hại cho toàn bộ các răng.

Bệnh nha chu (bệnh về lợi)
Sử dụng tăm thường xuyên không chỉ ảnh hưởng tới răng mà còn dẫn đến chảy máu lợi. Nếu không được điều trị, dẫn tới những bệnh về nha chu (bệnh về lợi) không thể khắc phục.
Tạo khoảng trống giữa các răng
Nếu thường xuyên xỉa răng sẽ tạo ra kẽ hở giữa hai răng. Đây là lý do khiến cho thức ăn mắc kẹt ở giữa ngày càng nhiều hơn.
Tổn thương men răng
Thông thường tăm được làm từ tre, nhựa hoặc gỗ. Nhiều người khi sử dụng tăm xỉa răng hay có thói quen nhai (nhằn) tăm. Đây là nguyên nhân gây tổn thương men răng.
Tổn thương chân răng
Từ những nguyên nhân như gây viêm lợi, khe hở kẽ răng hay còn gọi là rỗng chân răng sẽ khiến lợi bị tụt xuống. Đây là nguyên nhân gây tổn thương cho chân răng, trong một số trường hợp sẽ gây đau, ê và buốt.
Phá hủy các chất hàn
Khi bị bệnh về răng, nha sỹ thường sử dụng các chất hàng để trám, bịt các “lỗ sâu”. Việc dùng tăm thường xuyên có thể làm bong các chỗ hàn, trám để bảo vệ răng.

Hơi thở hôi
Sử dụng tăm sẽ không loại bỏ được hết những mảnh vụn thức ăn bám ở các kẽ răng. Đây là nguyên nhân chính gây hôi miệng.
Nên dùng chỉ nha khoa thay tăm
Với công nghệ tiên tiến, đời sống ngày càng được nâng cao thì việc dùng tăm đã trở nên quá lạc hậu và nên được từ bỏ.

Từ bỏ thói quen cũ để tốt hơn cho sức khoẻ
Thay vì dùng tăm, bạn hãy dùng chỉ nha khoa. Đây là công cụ giúp loại bỏ thức ăn sạch hơn và không ảnh hưởng tới răng và lợi. Có thể ban đầu chưa quen, sẽ có một chút khó khăn khi sử dụng hoặc quên mang theo. Tuy nhiên, sẽ không thành vấn đề nếu bạn ý thức được sức khoẻ răng miệng. Đặc biệt ý thức được sức khoẻ bản thân bạn quan trọng đến nhường nào.
BS.CKI Lý Thuỷ
Pingback: Chảy máu chân răng có rất nhiều nguyên nhân gây ra
Pingback: Răng nhạy cảm - Drsmile
Pingback: Hôi miệng và cách điều trị - Dr.Smile