Xu hướng phát triển “Dental tourism”

Du lịch nha khoa

Dental tourism là từ ghép của hai từ dental và tourism. Để hiểu rõ ý nghĩa của từ này, chúng ta sẽ xem định nghĩa của một số tác giả. Theo Mr. Hall – Một tác giả chuyên nghiên cứu về Dental Tourism. Đây được xem như một chuyến đi xa nhằm mục đích tìm kiếm một điều trị nha khoa thích hợp. Thích hợp ở đây có thể là chi phí rẻ với chất lượng điều trị cao so với nơi cư trú hiện tại. Với Bookman: Không phải bao giờ mục đích của chuyến đi cũng nhằm tìm nơi có dịch vụ y tế giá rẻ. Nhiều khi mục đích là nhằm tìm một nơi có dịch vụ y tế cao mà y tế nơi cư trú chưa đáp ứng được.

Dental tourism

Xu hướng du lịch kết hợp nha khoa đang rất thịnh hành

Tuy nhiên, dù theo định nghĩa nào thì từ “tourism” cũng chỉ mang ý là chuyến đi xa chứ không phải là đi du lịch. Vậy chúng ta cần hiểu chính xác ý nghĩa của “Dental Tourism” nhằm đáp ứng đúng nhất nhu cầu của người bệnh.

Đa phần mọi người hiểu sai mục đích của “Dental Tourism” nên cho rằng chỉ có thể phát triển “Dental Tourism” khi có cơ sở vật chất thật cao. Ví dụ như làm phòng khám nha khoa trong những resort xa hoa, có xe đưa đón bệnh nhân tại sân bay…

Từ nhận định trên cho thấy chúng ta có thể hướng tới một điều trị nha khoa giá phải chăng so với chất lượng. Hướng tới một điều trị kỹ thuật cao, vượt trội. Tự tin vào chất lượng và thương hiệu quốc gia.

Những năm trước đây, một số người Việt Nam có khả năng tài chính thường sang Singapore cắm Implant vì họ chưa tin vào bác sĩ Việt Nam. Hiện tại cũng không ít bệnh nhân chọn Singapore là nơi điều trị một số bệnh nan y như ung thư, tim mạch.

Theo thống kê, người Việt chi hơn một tỷ USD cho việc điều trị bệnh tại nước ngoài trong năm 2017 do điều kiện y tế trong nước chưa đáp ứng.

“Dental Tourism” là một phần của khuynh hướng toàn cầu hóa, phát triển do sự bùng nổ về thông tin trên toàn cầu cùng sự di chuyển ngày càng thuận lợi và nhanh chóng. Khách hàng có thể tra cứu thông tin mình cần tại bất kỳ nơi nào trên thế giới nhờ internet để tìm được nơi cung ứng dịch vụ cho mình một cách tốt nhất.

Cụ thể thông qua kênh Dental Departures, một bệnh nhân cư trú ở Mỹ, Châu Âu… có thể biết giá dịch vụ nha khoa ở một nơi khác rẻ hơn rất nhiều so với nơi mình cư trú. Dù có thêm chi phí ăn ở, di chuyển trong trường hợp cần một điều trị lớn như đặt implant hay làm thẩm mỹ nha khoa. Hiện tại Mexico là trung tâm “Dental Tourism” của châu Mỹ. Hungary là trung tâm “Dental Tourism” của châu Âu. Tại châu Á trung tâm “Dental Tourism” có thể là Singapore hay Thái Lan.

Thị trường “Dental Tourism” tại Việt Nam thì như thế nào?

Sự khởi điểm “Dental Tourism” tại Việt Nam mà cụ thể là Thành phố Hồ Chí Minh được khởi đầu vào năm 2000. Ngay sau khi có Luật doanh nghiệp và cho phép các công ty kinh doanh dịch vụ nha khoa. Khi đó Việt Nam bùng phát phong trào xây dựng phòng khám nha khoa qui mô lớn thay thế cho những nha khoa nhỏ.

Cũng giai đoạn những năm 2000 là thời điểm chứng kiến sự nhảy vọt về qui mô cũng như kỹ thuật nha khoa của Việt Nam. Bên cạnh sự thay đổi về phong cách quản lý ngày càng chuyên nghiệp là sự phát triển mạnh mẽ về trang thiết bị và kỹ thuật. Một số nha khoa trang bị ngang tầm thế giới, có trong tay những thiết bị hiện đại nhất như hệ thống X-quang Cone Beam chụp phim 3 chiều, máy CAD/CAM thực hiện răng giả bằng kỹ thuật scan mẫu với máy tính đảm bảo độ chính xác cao, thay vì tạo khuôn và đúc ly tâm cổ điển. Kiến thức, kỹ thuật cao về nha khoa cũng được cập nhật nhanh chóng nhờ vào sự rộng mở của giáo dục, rất nhiều bác sĩ có cơ hội đi tu nghiệp tại nước ngoài.

Đóng góp nhiều nhất vào sự phát triển “Dental Tourism” của Việt Nam chính là lực lượng Việt kiều ở hải ngoại.

Vậy nên không ngạc nhiên khi “Dental Tourism” phát triển mạnh nhất tại TPHCM, nơi có nguồn Việt kiều đông đảo nhất nước. Hàng năm trong chuyến về thăm quê cha đất tổ, những Việt kiều thường kết hợp với chữa răng tại Việt Nam vì quen thuộc với phong tục tập quán cũng như không có trở ngại về ngôn ngữ giao tiếp.

Tuy nhiên so với các nước như Singapo, Thái Lan thì nguồn bệnh nhân nước ngoài chọn Việt Nam làm điểm tới tuy có nhưng chưa nhiều. Gần đây thì phần đông khách hàng là người nước ngoài đang làm việc, công tác tại Việt Nam.

du lịch kết hợp nha khoa

Hướng đi nào cho “Dental Tourism” tại Việt Nam?

“Dental Tourism” đem đến rất nhiều điều lợi như tài chính, vận hội phát triển ngành nghề nha khoa, giúp trình độ khoa học kỹ thuật nha khoa phát triển nhờ nguồn bệnh nhân sẵn sàng trả chi phí cho những kỹ thuật cao.

Hiện nay, nhiều quốc gia như Singapore, Thailand, Malaysia, Hàn Quốc, Hungary, Mexico, Dubai…xem phong trào đi du lịch kết hợp điều trị bệnh là nguồn thu hút tài chính quan trọng. Họ có hẳn chiến lược quốc gia hỗ trợ và lập ra cơ quan chuyên trách vấn đề này.

Bàn về yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển phong trào “Dental Tourism”, các học giả thường đưa ra năm yếu tố:

  1. Giá cả
  2. Chất lượng dịch vụ
  3. Sự hỗ trợ của nhà nước
  4. Điểm đến
  5. Vai trò quản lý doanh nghiệp

Năm yếu tố kể trên kết hợp lại thành một giá trị tổng thể, nếu giá trị này lớn hơn giá trị chi phí điều trị tại chỗ, người bệnh có thể chọn “Dental Tourism”.

Điểm mạnh và điểm yếu của ta để phát triển bền vững Dental Tourism?

Điểm mạnh:

Do hoàn cảnh lịch sử, năm 1975 một số lớn người Việt đi ra nước ngoài sinh sống, đa số Việt kiều hiện đang định cư tại những nước tiên tiến như Mỹ, Úc, châu Âu. Những người này có điều kiện tài chính hơn người Việt trong nước và có nhu cầu trở về thăm quê nhà hàng năm. Chi phí điều trị nha khoa tại những nước này rất cao, cộng thêm ngôn ngữ bất đồng nên đa số Việt kiều thích chọn Việt Nam làm nơi điều trị nha khoa kết hợp với chuyến về thăm nhà. Đây là yếu tố thuận lợi quan trọng cho sự phát triển “Dental Tourism” của Việt Nam vì có sẵn nguồn bệnh nhân ổn định ban đầu, hơn nữa nguồn bệnh nhân này lại có liên hệ sâu xa với đất nước.

TP Hồ Chí Minh là nơi thuận lợi nhất cho sự phát triển “Dental Tourism”.

Là nơi có nhiều bệnh nhân Việt kiều nhất bên cạnh cơ sở vật chất khang trang, nhân lực Y tế giỏi và trường Đại học Nha Y khoa danh tiếng (trường do người Mỹ giúp thành lập vào khoảng 1968, từ đó tách riêng khỏi Đại học Y khoa thành Đại học Nha Y khoa Saigon. Trước năm 1975, trường đào tạo hàng năm khoảng 50 Nha Y sĩ Quốc gia với chất lượng rất cao và bằng cấp được công nhận liên thông với Mỹ. Sau 1975 trường sát nhập lại vào Đại học Y dược và trở thành khoa Răng – Hàm – mặt của Đại học Y Dược).

Việt Nam là một điểm đến an toàn, xinh đẹp, có nhiều thắng cảnh thiên nhiên có thể kết hợp du lịch khi đến điều trị. Chi phí Y tế tại Việt Nam thuộc vào hạng rẻ nhất trên thế giới. Giá dịch vụ nha khoa Việt Nam chỉ bằng 30% so với Singapore, 55% so với Thái lan, 66% so với Philippine, rẻ hơn cả chi phí điều trị tại Cambodia.

Điểm yếu:

Các doanh nghiệp của Việt Nam thường thiếu kiến thức kinh tế và quản trị kinh doanh khi đem so sánh với thế giới.

Việc xây dựng thương hiệu quốc gia chưa được chú trọng, sự cạnh tranh chủ yếu nhằm vào giá thấp mà không chú trọng đến chất lượng dịch vụ và hậu mãi cho bệnh nhân.

Thực tế, giá thấp chưa hẳn là giá rẻ và chi phí thấp nhưng kém chất lượng không phải là yếu tố cạnh tranh lâu bền. Bài học của Mexico là một dẫn chứng, ban đầu bệnh nhân từ Mỹ sang Mexico chữa răng rất đông nhưng khi nhiều nha khoa cạnh tranh về giá mà không để ý chất lượng thì phong trào sụt giảm nghiêm trọng.

Để thoát khỏi sự cạnh tranh chủ yếu dựa vào giá thấp, các nha khoa uy tín cần xây dựng chiến lược cạnh tranh dựa vào sự khác biệt.

Dĩ nhiên nếu bệnh nhân không thể nhận thấy sự khác biệt nào giữa hai nha khoa thì họ sẽ chọn nha khoa nào có giá thấp hơn.

Sự khác biệt có thể là thông tin đầy đủ cho bệnh nhân biết về trang thiết bị, vật liệu sử dụng chính hãng, chính sách hậu mãi chăm sóc khách hàng, chú trọng vào chất lượng điều trị và quan trọng nhất là liên kết các nha khoa uy tín lại với nhau để cùng xây dựng thương hiệu. Khi sự xây dựng thương hiệu quốc gia còn vượt quá tầm thì có thể xây dựng thương hiệu của một vùng miền chẳng hạn.

5/5 - (1 bình chọn)